Đã khá lâu rồi mình không trực tiếp thực hiện một bài đánh giá chi tiết sản phẩm nào. Một phần là do tình hình dịch bệnh căng thẳng, giao nhận khó khăn, một phần là vì mình lười. Ừ, chính xác là do mình lười đấy, nên đã nhận và sử dụng chiếc Waterpik WP-560 được hơn hai tháng nay nhưng vẫn chưa lên bài đánh giá cho các bạn. Không sao cả, điều này chỉ giúp mình có thêm nhiều thời gian trải nghiệm và những nhận định càng chi tiết, chính xác hơn thôi. Ok, chúng ta sẽ kết thúc phần bao biện ở đây và đi vào bài viết ngay bây giờ.
Waterpik Cordless Advanced WP-560 là sản phẩm hào phóng nhất của nhà Waterpik từ trước tới nay
Không ngoa khi nói rằng WP-560 là sản phẩm mà Waterpik đã rất rộng rãi với người dùng khi nhà sản xuất này đóng hộp sản phẩm với một nùi phụ kiện tặng kèm. Ngoài thân máy, chúng ta sẽ có thêm bốn đầu tăm nước các loại, một túi du lịch đựng máy, một hộp đựng đầu tăm dự trữ và một đầu bịt lỗ cắm tăm nước cùng dock sạc nam châm. Dễ thấy với những món phụ kiện này, Waterpik hướng sản phẩm này tới đối tượng người du lịch. Mình đồng ý, Waterpik đã có những sản phẩm cố định rất xuất sắc rồi và họ nên có thêm một sản phẩm tốt hơn là chiếc Waterpik WF-02 phục vụ nhóm khách hàng này.
Nói thêm một chút về cách mà Waterpik đã đóng gói chiếc máy này, cần thừa nhận rằng họ đã thực sự có được sự chỉn chu đáng kể trong cách sắp xếp các thành phần của máy trong hộp đựng. Mình luôn coi cách các nhà sản xuất điện thoại cao cấp thiết lập cho hộp đựng sản phẩm của mình là tiêu chuẩn trong cách đóng hộp và đây là lần đầu tiên mà mình có thể coi là hài lòng về cách Waterpik làm với chiếc máy của họ. Gọn gàng và chắc chắn, không có bộ phận nào cho cảm giác không vừa với ngăn đựng dành cho nó. Một cảm giác cao cấp đầu tiên toát ra ngay từ khi còn chưa dùng máy.
Thiết kế hiện đại, thân máy cứng cáp và cảm giác cầm thực sự thoải mái
Cần phải nói rằng ngay từ đầu mình đã chuẩn bị tư tưởng rằng WP-560 là một chiếc máy tăm nước hàng top của nhà Waterpik, vậy nên dù cho có rất nhiều nghi ngờ, sự kỳ vọng của mình dành cho nó về mọi mặt là rất lớn. Nó càng lớn hơn khi chiếc máy mà mình đang dùng hàng ngày, Panasonic EW1511, là một đối thủ cùng phân khúc cực kỳ nặng ký. Mình sẽ có một bài so sánh hai chiếc máy này sau, còn bây giờ hãy quay lại với chiếc máy chủ đề của bài viết.
Điểm nhấn sáng giá làm nên vẻ hiện đại của Waterpik WP-560 đến từ hai dải kim loại (hoặc giả kim loại?) rất hút mắt, bao quanh ở cổ máy và bảng điều khiển chính. Ngoài ra, toàn bộ phần thân vỏ sản phẩm còn lại được hoàn thiện bằng nhựa cao cấp và cứng cáp, búng nhẹ móng tay vào cho âm thanh trầm đục đặc trưng. Máy trên tay có độ đầm đáng kể, bề mặt mịn màng hoàn toàn không có điểm cấn. Vùng đặt tay cầm máy được xiết eo cho cảm giác cầm máy dễ dàng, thoải mái và không bị nặng. Thiết kế mặt nhám ở phía trên bụng máy cũng giúp mình cầm máy tin tay hơn mà không lo rơi, tuột.
Nói tiếp đến những chi tiết hoàn thiện khác. WP-560 được trang bị hai nút bấm cao su mà sẽ rơi vào vị trí đặt tay của ngón trỏ và ngón giữa nếu như các bạn có cùng cách cầm máy với mình. Hai nút bấm này có hành trình phím và độ nảy rất xuất sắc, lại được làm với độ nổi và hình dáng khác biệt nhau nên có thể xem là nhà sản xuất không cho chúng ta có cơ hội để bấm nhầm trong quá trình sử dụng. Tương tự với những chi tiết khác như nút tháo đầu tăm trên cổ máy, nắp đậy hay khay trượt tháo bể nước đều được hoàn thiện với tiêu chuẩn rất cao, khó có thể chê vào đâu được.
Cơ chế sạc nam châm của máy là một tiêu chuẩn mà mọi máy tăm nước cầm tay khác cần học tập
Khi mới nhận máy, phải thừa nhận rằng mình đã gặp khó khăn khi hoàn toàn không hiểu chiếc máy này phải sạc như thế nào khi nó không có giắc cắm, không có luôn chân sạc trong khi cục sạc cũng hoàn toàn là một khối kín. Tuy nhiên, khi đã buộc phải dùng tới hướng dẫn sử dụng và biết cách sạc máy rồi thì mình dám khẳng định rằng cách mà Waterpik làm với WP-560 nên trở thành một tiêu chuẩn mà mọi chiếc mấy tăm nước cầm tay khác nên học tập. Nó tiện, dễ dàng, đặt lên là tự dính và sạc, hoàn toàn không lo rò điện và cũng không sợ máy bị vào nước gây hỏng hóc. Mình đã sử dụng qua rất nhiều máy tăm nước với những cơ chế sạc khác nhau và điều tốt nhất mà chúng làm được chỉ là nắp đậy giắp cắm sạc ngăn tiếp xúc nước. Không có chiếc máy tăm nước nào có cơ chế sạc đảm bảo an toàn như Waterpik WP-560.
Tất nhiên, nó cũng có điểm hạn chế. Để sạc đầy máy với cơ chế này, Waterpik WP-560 yêu cầu 4h sạc liên tục, và quá trình sạc khiến cho thân máy bị nóng khá lâu và có thể cảm nhận được. Du di dễ tính thì cũng có thể nói là mình chẳng cần phải đầy pin mới sử dụng, một ngày dùng chỉ mấy phút có thể sạc cả ngày và cảm giác nóng máy cũng không thực sự khó chịu. Dẫu vậy, hạn chế vẫn là hạn chế và mình vẫn chờ đợi Waterpik có thể hoàn thiện máy hơn nữa. Người dùng được lợi mà, tội gì!
Bể nước đủ lớn với thiết bị cầm tay, sử dụng được 45s với mức áp suất cao nhất
Với tư cách là một thiết bị cầm tay, Waterpik WP-560 có bể nước sử dụng không hề nhỏ với 207ml khi được làm đầy. Con số này quy đổi ra thời gian sử dụng ở mức áp suất nước cao nhất là 45s và con số này theo mình là đủ cho một phiên sử dụng. Trong toàn bộ thời gian sở hữu chiếc máy này, mức áp suất nước mạnh cơ bản là chế độ mình sử dụng nhiều nhất. Hầu như trong mọi phiên sử dụng, mình thường hoàn thành công việc khi vẫn còn khoảng nửa đốt ngón tay nước trong bể đựng. Hãy yên tâm là cách bố trí ống hút trên WP-560 cho phép bạn tận dụng đến tận cùng số nước trong bể đựng và như vậy với mình là hoàn toàn đủ. (Hãy chú ý là video bên dưới mình giữ máy ở tư thế ngang, không tận dụng được hết bể nước mà đã vượt quá thời lượng 45s rồi).
Tất nhiên, điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ buộc phải thêm nước cho máy trước mỗi lần sử dụng. Hơi buồn, nhưng chúng ta sẽ phải chấp nhận nó để đổi lấy sự gọn nhẹ và tiện lợi trong di chuyển. Điểm tích cực là nắp bể nước được làm rất tốt, chắc chắn, không rò rỉ, dù nếu nó rộng hơn chút nữa thì quá trình tiếp nước sẽ dễ dàng hơn cho người sử dụng. Việc khoang nước được làm trong suốt dễ theo dõi cũng là một điểm cộng nho nhỏ của máy
Ba mức áp suất nước: Đủ với nhu cầu thông thường, (có thể) không đủ với người có vấn đề răng miệng
Trên những thông số do Waterpik công bố, WP-560 được trang bị ba mức áp suất nước với khoảng lực từ 45-75 PSI, tương đương với khoảng mức 4-8 trên các thiết bị cố định của Waterpik. Điều này có thể tạm hiểu là dù chỉ có ba mức áp suất nhưng thực tế WP-560 đã phủ được khoảng gần năm mức áp lực nước trên những chiếc máy WP-100 hay WP-660 (10-100 PSI). Nó chỉ bỏ qua ba mức áp suất yếu nhất (1-2-3) và hai mức mạnh nhất (9-10) so với dòng sản phẩm gia đình của nhà sản xuất. Điều này cơ bản là không tệ, tuy nhiên câu hỏi đặt ra là nó có đủ tốt không?
Trên thực tế, với mình, khoảng áp suất mình sử dụng nhiều nhất trên các thiết bị cố định của Waterpik là từ 6-8, vậy nên hoàn toàn không có vấn đề gì khi mình sử dụng WP-560. Tuy nhiên, mình cũng có người thân bị bệnh về răng chỉ có thể sử dụng những mức áp suất yếu nhất trên máy tăm nước WP-660, tức là khoảng 1-3. Những mức áp suất cao hơn có thể gây ra cảm giác đau nhức rất không thoải mái và đó cũng chính những đối tượng mà WP-560 khó có thể đáp ứng được.
Ở các mức áp suất phía trên, mình nhìn nhận các mức 9-10 trên hệ máy cố định cơ bản chỉ giúp bạn trình diễn sức khỏe răng miệng. Nó có thể giúp bạn làm sạch răng nhanh hơn đôi chút nhưng nhìn chung là không quá khác biệt.
Như vậy, tạm có thể kết luận ba chế độ áp suất nước trên WP-560 là tốt nhưng chưa xuất sắc, và bạn có thể cần cân nhắc khi lựa chọn thiết bị này nếu có răng, nướu, lợi nhạy cảm.
Trải nghiệm sử dụng xứng đáng với một thiết bị cao cấp
Trong hơn hai tháng qua, mình đã sử dụng chiếc WP-560 này như thiết bị xỉa răng chính thay cho “con” EW1511 đã quen thuộc trong hơn một năm trước đó. Mình dám nói rằng trong toàn bộ khoảng thời gian sử dụng đó, không có lần nào trong đầu mình nảy lên suy nghĩ: “Khó chịu quá, thà dùng con EWW1511 còn hơn”. Đơn giản vì nó tốt và mình hoàn toàn sẵn sàng tiếp tục sử dụng nó vì nó tốt chứ không phải vì công việc.
Về hiệu năng sử dụng, Waterpik WP-560 tiếp tục làm mình có thiện cảm với các thiết bị đến từ nhà sản xuất Mỹ này. Họ có cách thức đặc biệt nào đó khiến cho những chiếc máy của họ luôn có khả năng đánh bật vụn thức ăn trong kẽ răng tốt hơn những đối thủ khác. Nhìn chung, mình hiếm khi gặp tình trạng vẫn còn rắt cái gì đó trong răng sau mỗi phiên sử dụng máy. Cảm giác sạch sẽ và thích thú là không thể chối bỏ.
Với việc đã thay đổi hoàn toàn từ thói quen sử dụng tăm tre sang tăm nước trong khoảng hai năm nay, nướu lợi mình hoàn toàn không gặp rắc rối với chiếc máy này. Không có đổ máu, cũng không có cảm giác đau nhức nào phát sinh bất chấp mình hầu như luôn sử dụng mức áp suất nước cao nhất.
Dù cảm giác cầm nắm là rất tốt, tuy nhiên khi được thêm đầy nước máy sẽ hơi nặng trong những lần sử dụng đầu tiên. Mình làm quen được với cảm giác này sau 4-5 lần dùng, tương đương với khoảng hai ngày sử dụng. Tức là khoảng 58 ngày sau đó hoàn toàn thoải mái và quen thuộc. Con số này sẽ còn tăng lên khi thời gian sử dụng dài ra vậy nên khoảng thời gian làm quen này là chấp nhận được.
Một điểm rất tích cực trên chiếc Waterpik WP-560 đó là máy cho mình cảm giác êm ái và ít rung hơn tất cả những thiết bị tương tự khác. Sự cải thiện này đến từ nhà sản xuất Waterpik là rất đáng ghi nhận. Các bạn có thể xem thêm ở video dưới đây:
Phụ kiện đi kèm: Nhiều, tiện nhưng chưa tương xứng với thiết bị
Mình đã nói ngay từ đầu bài, Waterpik WP-560 đi kèm với khá nhiều phụ kiện do nhà sản xuất tặng kèm cho người dùng. Với những món trang bị như túi đựng máy, hộp đựng đầu tăm, có vẻ như Waterpik muốn đi trước tạo lợi thế trong việc giành thiện cảm từ những người dùng ưa di chuyển, thích du lịch và nhấn mạnh vào tính di động của sản phẩm này.
Mình đánh giá cao suy nghĩ này, vì dù đã sử dụng tăm nước từ khá lâu, mình vẫn khá ngại mang máy theo người khi đi xa và thường chấp nhận dùng tăm tre mỗi dịp như vậy. Đáng tiếc rằng, chất lượng của những sản phẩm này dường như chưa tương xứng với chiếc máy WP-560.
Với chiếc túi đựng máy, dù có vẻ chất liệu vải là tốt và được làm khá đẹp nhưng túi cho mình ấn tượng ngay từ lần đầu mở máy là nhàu và đường kim mũi chỉ xem ra khó bền qua thời gian. Tương tự với hộp nhựa đựng đầu tăm, nó có phần thiếu cứng cáp và mình dự là khó tồn tại được lâu nếu phải mang theo nhiều. Những sản phẩm này, nếu hỏng thì mình cũng chẳng biết kiếm đồ thay thế ở đâu. Nếu chúng được làm tốt hơn, chắc chắn sẽ gây thiện cảm cho người dùng nhiều hơn. Việc người ta cầm máy theo cũng giúp tạo nhiều cơ hội giới thiệu cho người khác hơn.
Mình hài lòng với bốn đầu tăm nước do Waterpik tặng kèm, hai đầu thông thường, một đầu cho người chỉnh nha và một đầu để chải mảng bám trên răng. Với một thiết bị thiên hướng cá nhân như WP-560, số đầu tăm đi kèm như vậy là rất tốt, cho người dùng thêm nhiều lựa chọn và cũng tiết kiệm được một khoản chi phí tương lai. Hai đầu tăm chức năng tặng kèm mình cũng đánh giá là những lựa chọn tốt và nhiều người cần tới chứ không cho cảm giác thừa thãi như loại bàn chải hay miếng chải lưỡi.
Tổng kết
Trên cương vị là một người dùng thông thường, khi đọc những thông số của Waterpik Cordless Advanced WP-560, mình đã đặt khá nhiều nghi vấn về sản phẩm này khi nó có mức giá đắt đỏ, không mang công nghệ đặc biệt thú vị nào trong khi lại chỉ được trang bị ba mức áp lực nước. Nhìn quanh quẩn trên thị trường cũng có thể chỉ ra vài ba sản phẩm có lợi thế hơn chiếc máy này rồi. “Nó bán được chắc vì có cái nhãn Waterpik thôi” – Mình đã nghĩ như thế.
Nhưng không, WP-560 cho thấy rõ ràng nó không cạnh tranh bằng thông số. Nó đứng vững ở thị trường Mỹ nhờ vào trải nghiệm, sự tiện lợi và tính an toàn rất nổi bật, và đây chính xác là những yếu tố mà người có tiền sẵn sàng chi trả để có được. Nó không chỉ đơn giản là một sản phẩm tốt, mà phải là “thích”, dùng rất thích, đã, và cho mình hứng thú sử dụng dù cho đã quá quen với các sản phẩm tăm nước từ lâu.

Vậy thôi, đó là tất cả những trải nghiệm của mình trong mùa cách ly vì covid. Hy vọng rằng các bạn đã có được những thông tin bổ ích từ bài viết và đưa ra những quyết định cho riêng mình.
Chúng ta sẽ còn gặp lại nhau trong nhiều bài viết khác. Tạm biệt!
#waterpik #tamnuoc #WP560 #maytamnuoc