Sạc dự phòng là một sản phẩm ra đời bởi sự phát triển của thời đại di động hiện nay. Khi mà các thiết bị điện tử cá nhân đang trở nên phổ biến nhanh chóng mặt, bất cứ ai cũng đều sở hữu một hoặc một vài chiếc máy theo trào lưu công nghệ thì nhu cầu năng lượng theo chân ở bất cứ đâu cũng tăng lên đột biến. Nó giải quyết ngay mong muốn kết nối liên tục mà không bắt mọi người phải dính lấy một bức tường cho tới tận khi đầy pin. Sau khoảng 2 tuần thử nghiệm với 10 thiết bị sạc dự phòng khác nhau, Lác Review cùng Gỡ Rối đã chọn ra được sản phẩm sạc dự phòng tốt nhất thỏa mãn nhu cầu của phần đông người tiêu dùng hiện nay.
Tại sao các bạn nên tin tưởng chúng tôi?
Nhóm trải nghiệm của Gỡ Rối đã cùng nhau sử dụng cả 10 thiết bị thử nghiệm trong suốt 2 tuần với những bài test trên nhiều smartphones khác nhau chạy 2 hệ điều hành phổ biến nhất thị trường iOS và Android. Để đảm bảo tính chính xác trên phạm vi rộng, Gỡ Rối cũng đã so sánh những đánh giá của mình với những bài trải nghiệm từ các reviewer khác, các chuyên trang tư vấn người tiêu dùng uy tín của nước ngoài như Thewirecutter, Techadvisor, Chargerharbor, Wired,…
Là người trực tiếp thực hiện bài viết, mình đã sử dụng cả 10 sản phẩm để đánh giá cho trải nghiệm hàng ngày, đi làm, đi chơi, cho người khác mượn,… Sau cùng là tổng hợp tất cả ý kiến từ nhóm Gỡ Rối và đưa ra những kết luận bao quát nhất.
Quá trình lựa chọn
Có rất nhiều những sản phẩm pin sạc dự phòng đang có mặt trên thị trường và mỗi loại đều mang những lợi thế để phục vụ từng nhóm đối tượng khách hàng khác nhau. Sẽ không có sản phẩm nào tốt nhất cho tất cả mọi người, ở đây bọn mình sẽ lựa chọn thiết bị tốt nhất cho nhiều người dùng nhất.
Để đảm bảo tính khách quan, đầu tiên bọn mình lựa chọn những sản phẩm đang bán chạy và được nhiều khách hàng đánh giá tốt trên các trang thương mại điện tử lớn tiki, lazada, shopee, sendo,… Các sản phẩm được lựa chọn sẽ cần đáp ứng tất cả hoặc phần lớn các tiêu chí:
- Dòng vào và dòng ra: Gỡ Rối đánh giá cao những sản phẩm được trang bị cổng USB type C 2 đầu vào ra hỗ trợ sạc nhanh ở mức 15W trở lên. Với những mẫu chỉ có cổng micro USB hoặc USB-A, bọn mình sẽ chỉ lựa chọn những sản phẩm có công suất sạc thấp nhất là 10W. Điều này đảm bảo cho tốc độ sạc và sạc lại của sản phẩm.
- Nhỏ gọn, không nặng quá 300gr: Một chiếc sạc dự phòng cần phải đảm bảo rằng chúng không quá lớn và gây khó khăn cho việc di chuyển hàng ngày. Với trọng lượng của hầu hết những smartphones phổ thông vào khoảng 200-300gr thì một cục sạc có cân nặng ở mức tương tự là điều phù hợp.
- Dung lượng từ 5000mAh trở lên: Thông thường pin dự phòng có dung tích thật vào khoảng 60-75% con số được ghi trên máy, trong khi các mẫu điện thoại trên thị trường có thời lượng pin phổ biến trong khoảng 3000-4000mAh. Như vậy cục sạc 5000mAh trở lên sẽ đảm bảo cho ít nhất là gần một lần sạc đầy thiệt bị di động của bạn.
- Mức giá và thương hiệu: Thương hiệu nhà sản xuất là yếu tố đảm bảo cho chất lượng và hiệu suất hoạt động của 1 sản phẩm trong khi mức giá thường lại là yếu tố cản trở chính khi chúng ta ra quyết định mua sắm. Những sản phẩm không đủ tin tưởng cho người sử dụng hoặc giá trị thương hiệu quá cao so với giá trị sử dụng cũng sẽ bị Gỡ Rối loại bỏ ở bước này.
Cuối cùng, các sản phẩm đã chứng minh được sự ổn định trong sử dụng và bền bỉ theo thời gian thông qua các bài review, đánh giá, trên tay bởi những trang tin công nghệ uy tín trong nước và quốc tế sẽ được bọn mình ưu tiên lựa chọn đưa vào thử nghiệm.
Quá trình thử nghiệm
Gỡ Rối đã tiến hành những bài test với rất nhiều bước:
- Cân nặng & kích thước: Dựa trên thông số do nhà sản xuất cung cấp, cộng thêm việc trực tiếp cân đo bằng các thiết bị chuyên dụng của bọn mình. Ngoài ra, bọn mình còn dựa vào những trải nghiệm thực tế như bỏ vào túi quần, túi xách, cầm tay,…
- Thiết kế: Đây là một yếu tố không thể cân đo và hoàn toàn phụ thuộc vào cảm quan cá nhân của mỗi người, ở đây bọn mình sẽ chỉ nhận định trên những điểm thân thiện và thông minh trong thiết kế cùng các nhận định chung nhất của toàn nhóm thử nghiệm
- Theo dõi dòng điện ra/vào thiết bị: Bọn mình sử dụng thiết bị đo dòng điện Juwei Safety Tester J7-C để kiểm tra độ ổn định dòng ra/vào của sạc khi hoạt động.
- Sử dụng thực tế: Các thành viên của nhóm trải nghiệm sẽ thay nhau mang theo các cục sạc với những mức độ sử dụng khác nhau để đánh giá mức ảnh hưởng và độ thỏa mãn trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi người sẽ tự chọn lấy những thiết bị mà mình cảm thấy hài lòng nhất.
Từ tất cả những điều trên, đây là những sự lựa chọn của Gỡ Rối
Lựa chọn của Gỡ Rối: Anker PowerCore 10000 PD (A1235)
Anker PowerCore 10000 PD là thiết bị đứng top 1 trên danh sách best sellers sạc dự phòng tại Amazon.com. Thiết bị này mang sức mạnh thực sự khủng khiếp trong 1 thân hình nhỏ bé. Để cho dễ hình dung thì nó to khoảng cỡ 3 ngón tay của bạn, nặng chưa đến 2 lạng, dễ dàng bỏ vào túi xách, túi quần, túi áo,… bất cứ loại túi thông dụng nào. Thế nhưng, PowerCore 10000 PD nhanh hơn hầu như tất cả những thiết bị mà mình thử nghiệm. Cổng ra USB-C chuẩn Power Delivery cho phép truyền tải dòng điện 18W sạc rất nhanh và ổn định. Trong khi cổng USB-A với dòng ra 10W cũng làm việc rất xuất sắc.
Dù chỉ được làm bằng nhựa nhưng chất lượng hoàn thiện của Anker PowerCore 10000 PD là rất tốt. Thiết kế bo tròn và hàng vân phủ quanh sản phẩm giúp chúng ta dễ dàng cầm nắm nó trong tay. Đặc biệt khi mà dù có sạc 2 thiết bị cùng lúc tối đa tải 28W, mình cũng chỉ cảm thấy nó ấm lên một chút, không hề gây khó chịu.
Anker PowerCore 10000 PD trong thực tế cho phép khoảng 3 lần sạc đầy iPhone XS từ dưới 5% và tương tự là khoảng hơn 2 lần với Galaxy S8+. Đây là mức thời lượng pin hoàn toàn đủ cho 1 ngày sử dụng ở cường độ cao, ngay cả trong trường hợp các bạn xem phim hay chơi game để màn hình sáng liên tục. Với người đi làm có cường độ sử dụng trung bình, nó đủ năng lượng để đảm bảo cho một máy chính và một máy phụ hoạt động tới tận cuối ngày. Việc được trang bị cổng vào USB-C 18W cho phép PowerCore 10000 PD sạc lại cũng rất nhanh chóng.
Điểm yếu của Anker PowerCore 10000 PD là ở thiết kế không thực sự bắt mắt và thiết kế khá dày (2.5 cm). Nó khiến mình không thực sự thoải mái khi phải bỏ trong túi quần Jeans hoặc quần kaki ôm sát người. Một điều đáng tiếc nữa là PowerCore 10000PD không có dây cáp gắn sẵn trên sản phẩm và mình phải mang thêm dây cáp theo người. Tuy nhiên đây là những khuyết điểm nhỏ, không đủ để ngăn Anker PowerCore 10000 PD trở thành sạc dự phòng tốt nhất do Gỡ Rối lựa chọn.
Lựa chọn về nhì: Aukey PB-Y13 10000mAh
Aukey PB-Y13 10000mAh giống như là một lựa chọn có giá thành rẻ hơn của Anker PowerCore 10000 PD, thế nhưng nó thậm chí còn có những điểm ưu việt hơn. Sản phẩm của Aukey có tới 3 cổng sạc ra trong đó là 1 USB-C chuẩn Power Delivery, 1 USB-A chuẩn Quick Charge 3.0 và 1 cổng USB-A thường hỗ trợ sạc nhanh 5V/2.4A. Hơn nữa, dù to bản và nặng hơn so với PowerCore 10000 PD khá nhiều, PB-Y13 nhìn vẫn đẹp và vừa mắt nhờ có thân hình mảnh mai hơn.
Về hiệu quả làm việc, Aukey PB-Y13 10000mAh cho tốc độ sạc rất nhanh, tương đương với những thông số cam kết từ nhà sản xuất. Cả 3 cổng sạc ra của nó đều có thể đạt tối đa công suất một cách ổn định, và thậm chí có thể sạc 3 thiết bị cùng một lúc. Tuy nhiên công suất tối đa dòng ra của PB-Y13 chỉ là 18W vậy nên nó sẽ không thể sạc nhanh nếu sạc cùng lúc nhiều thiết bị. Về đường sạc vào, nó được trang bị 2 phương án, cổng Micro USB 10W và USB-C PD 18W. Tất nhiên việc sạc với cổng USB-C nhanh hơn rất nhiều so với Micro USB.
Dù có rất nhiều thế mạnh nhưng Aukey PB-Y13 vẫn còn nhiều yếu tố quan trọng thua kém so với Anker PowerCore 10000 PD. Nó nặng hơn (264g so với 192g), công suất sạc tối đa thấp hơn (18W so với 28W), và dung lượng pin thực tế có phần kém hơn đôi chút. Nó có thể sạc đầy chiếc iPhone XS từ 5% khoảng 2.5 lần và chiếc Galaxy S8+ 2 lần. Đây vẫn là 1 kết quả ấn tượng và hoàn toàn đủ cho 1 ngày hoạt động với cường độ cao.
Lựa chọn có mức giá tốt: Xiaomi Mi 2S 10000mAh
Xiaomi Mi 2S 10000mAh là một sản phẩm cực kỳ tốt so với mức giá mà nó đưa ra, khoảng 200-300 ngàn đồng. Nó mang một thiết kế rất đơn giản và cao cấp với vỏ ngoài kim loại, các cạnh bên bo cong để dễ dàng cầm nắm cũng như bỏ vào túi mang theo. Trọng lượng chưa đến 250g của Mi 2S cũng là hợp lý với dung lượng pin nó mang lại.
Có thể thấy ngay sự thiếu xót của chiếc Xiaomi Mi 2S khi nó không được trang bị cổng kết nối USB type C, cả ở đầu vào và đầu ra. Thay vào đó, nó có 1 cổng micro USB 18W để sạc vào và 2 cổng USB-A 15W hỗ trợ QC 3.0 dành cho việc sạc các thiết bị khác. Sử dụng thực tế, Mi 2S cho tốc độ sạc khá nhanh và rất ổn định tuy nhiên đáng tiếc là tổng công suất dòng ra không lớn. Mình có thử nghiệm sạc cùng lúc cho 2 chiếc điện thoại thì nó sẽ không thể sạc nhanh và chỉ cho công suất tối đa 15W cộng chung trên cả 2 đường sạc.
Tiến hành đo dung lượng pin đầu ra thực tế, Xiaomi Mi 2S thể hiện rất tốt với khoảng 2.5 lần sạc đầy cho iPhone XS từ 5% và hơn 2 lần cho chiếc Galaxy S8+ cũng từ 5%. Những con số này là tương đương với các sản phẩm ở phân khúc cao hơn và đủ khiến các bạn yên tâm để mang theo Mi 2S cho cả ngày sử dụng ở cường độ cao. Dù thiếu đi 1 vài tính năng cao cấp (USB-C, sạc 18W, sạc nhanh nhiều thiết bị), Xiaomi Mi 2S 10000mAh vẫn là một món hời thực sự với mức giá của nó.
Thiết bị siêu di động: Anker PowerCore 5000 (A1109)
Anker PowerCore 5000 là một sản phẩm sinh ra nhằm mục đích tối ưu tính di động và gọn nhẹ. Đây không phải là một thiết bị quá mạnh mẽ với dung lượng chỉ cho phép từ 1-1.5 lần sạc với hầu hết các Smartphones trên thị trường. Với cả cổng sạc ra và vào, Power Core 5000 làm việc ở công suất 5V/2A. Thực tế trải nhiệm cho thấy nó hoạt động nhanh và ổn định hơn so với các loại sạc dự phòng mini khác. Thậm chí với sạc tường của Anker, Gỡ Rối ghi nhận được dòng sạc vào 5V/2.4A, tức là nhanh hơn cả nhà sản xuất này cam kết.
Ưu điểm của Anker Power Core 5000 là trọng lượng chỉ 140g và thiết kế dạng thỏi son bắt mắt. Dù cho không quá gọn nhẹ so với nhiều loại sạc dự phòng mini khác, PowerCore 5000 lại thuyết phục mình hoàn toàn nhờ chất lượng hoàn thiện xuất sắc. Nó sẽ không hề hấn gì dẫu có bị rơi từ trên bàn xuống và không bao giờ nóng lên trong quá trình sạc. Những yếu tố này sẽ giúp cho cục pin dự phòng có tuổi thọ lâu hơn và duy trì dung lượng tốt hơn.
Anker PowerCore 5000 không phải là một sản phẩm phù hợp dành cho game thủ hoặc những người có cường độ sử dụng trong ngày lớn. Nó phù hợp hơn cho những đối tượng có nhu cầu thông thường, dân văn phòng, đặc biệt là nữ giới cần một thiết bị nhỏ nhẹ, thời trang bỏ vào túi xách mà vẫn đảm bảo được tính bền bỉ trong sử dụng.
Những sản phẩm cạnh tranh khác
Vẫn còn rất nhiều những sản phẩm khác mà Gỡ Rối đã tiến hành thử nghiệm nhưng lại không được lựa chọn vào danh sách những chiếc sạc dự phòng tốt nhất. Một số sản phẩm khác được Gỡ Rối đánh giá tốt và đã tiến hành thử nghiệm như:
- Samsung EB-P1100: 1 sản phẩm có chất lượng hoàn thiện cực tốt từ Samsung được trang bị công nghệ sạc nhanh AFC và Quick Charge 2.0. Mức giá của chiếc sạc dự phòng này cũng cực kỳ dễ chịu dù đến từ nhà sản xuất danh tiếng Samsung (khoảng 350 ngàn). Thử nghiệm của Gỡ Rối cho thấy EB-P1100 sạc khá nhanh và ổn định. Tuy nhiên nó thiếu 1 vài tính năng cao cấp như không có cổng sạc USB-C, không có chuẩn sạc Power Delivery và không thể sạc nhanh cùng lúc 2 thiết bị. Bù lại Samsung trang bị cho sản phẩm của mình công nghệ chống quá tải OVP nâng cao tính an toàn. Nó sẽ là thiết bị phù hợp cho những ai cần 1 sản phẩm đến từ thương hiệu lớn với mức giá phải chăng.
- Energizer UE10042: Thiết bị của Energizer có 1 thân hình nhỏ gọn đi kèm với màn hình hiển thị dung lượng pin thời thượng. UE10042 được hoàn thiện rất tốt, cầm bám tay và có thể mang theo rất dễ dàng với trọng lượng chỉ khoảng 200gr. Cục pin này làm việc rất ổn định tuy nhiên điểm yếu của nó là không được trang bị sạc nhanh, dòng ra chỉ 5V-2.1A, chắc chắn không dành cho những ai yêu cầu tốc độ và thường sử dụng với cường độ lớn. 1 điểm làm mình ngạc nhiên nữa là Energizer UE10042 chỉ trang bị 1 cổng sạc ra USB, trong khi lại có tới 2 cổng sạc vào USB-C và Micro USB
- Anker PowerCore 20100 mAh: Từ cái tên, các bạn có thể dễ dàng nhận ra đây là phiên bản lớn hơn của Anker PowerCore 10000 PD nhưng sẽ thiếu đi chuẩn sạc Power Delivery. Thay vào đó, thiết bị này sẽ có 2 cổng sạc ra USB-A QC 2.0 cho tổng công suất 5V-4.8A. Tất nhiên nó không sánh bằng PowerCore 10000 PD về tốc độ nhưng sẽ hoàn toàn không thua kém về độ hoàn thiện, độ ổn định. PowerCore 20100 sẽ phù hợp với những ai thường xuyên mang theo mình từ 2 thiết bị trở lên và cần 1 cục pin có dung lượng lớn.
- Aukey PB-XD10: Aukey PB-XD10 giống như 1 phiên bản Aukey PB-Y13 dành cho những người thích nhỏ và dầy thay vì mỏng và to bản. Nó thậm chí còn có tính di động cao hơn khi chỉ nặng có 182g thay vì 264g như người anh em của mình. Bù lại thì 1 cổng USB-A dòng ra và 1 cổng micro USB dòng vào đã bị cắt giảm đi. Thử nghiệm từ Gỡ Rối cho thấy trải nghiệm trên 2 sản phẩm là rất tương đồng ngay cả ở việc trên PB-XD10, dòng ra tối đa cũng chỉ là 18W và không thể sạc nhanh 2 thiết bị cùng lúc. Ở mức giá tương đồng thì sự khác biệt của 2 thiết bị này chỉ còn là ở thiết kế và sự đa dạng cổng kết nối. Bọn mình đánh giá đây cũng là 1 sản phẩm rất tốt và rất đáng mua.
Gỡ Rối sẽ liên tục cập nhật bài viết với những sản phẩm mới trên thị trường

#Bestchoice #Powerbank #Goroilist #review #trentay #dungthu #sacduphong #Aukey #Anker #Xiaomi