Như đã hứa, hôm nay mình sẽ gửi tới các bạn bài so sánh hai chiếc máy tăm nước cầm tay mà mình đánh giá là tốt nhất thị trường hiện nay: Waterpik WP-560 và Panasonic EW1511.
Tại sao các bạn nên tin tưởng mình?
Trên cả tư cách cá nhân và là một reviewer, mình đã có hơn hai năm sử dụng và làm việc với những chiếc máy tăm nước từ rất nhiều thương hiệu cũng như các dòng máy khác nhau. Các thiết bị được mình cùng Gỡ Rối lựa chọn thường xuyên là những sản phẩm nằm ở top trên của thị trường vậy nên các trải nghiệm cao cấp đối với mình nhìn chung là quen thuộc. Điều này giúp mình dễ dàng hơn trong việc đặt ra tiêu chuẩn trần và có cái nhìn tổng quan hơn khi đánh giá một chiếc máy tăm nước mới.
Đối với hai sản phẩm được đưa vào bài so sánh, mình đã sử dụng qua 5-6 chiếc tăm nước Panasonic EW1511 khác nhau và đang trực tiếp sở hữu một chiếc EW1511 như máy tăm nước chính sử dụng hàng ngày trong khoảng hai năm. Đối với chiếc Waterpik WP-560, đây là lần đầu mình có cơ hội trực tiếp trải nghiệm chiếc máy này tuy nhiên, mình đã dành hai tháng liên tục để sử dụng nó như chiếc máy tăm nước chính thay cho chiếc EW1511.
Tất nhiên, mình đồng ý rằng sẽ không có sự tương đồng hoàn hảo về tình trạng của hai chiếc máy khi một chiếc là hoàn toàn mới và một chiếc đã qua thời gian sử dụng dài. Dẫu vậy với tất cả những kinh nghiệm có được, mình đảm bảo cho tính khách quan và độ tin cậy của bài viết. Không có sự nhân nhượng hay ưu ái nào ở đây.
Giờ thì chúng ta hãy cùng xem xem hai chiếc máy tăm nước này có gì.
Các thông số kỹ thuật: Panasonic EW1511 vượt trội về mọi mặt
Trước hết, đây là những thông số được mình tổng hợp từ trang giới thiệu sản phẩm của Waterpik và Panasonic. Mình không quá quan tâm đâu nhưng yah, rất nhiều người quan tâm. Chúng ta cùng xem qua.
Waterpik WP-560 | Panasonic EW1511 | |
Số mức áp suất nước | 3 | 5 |
Số đầu tăm nước đi kèm | 4 (2 đầu tăm thường, 2 đầu tăm chức năng) | 2 đầu tăm thường |
Dung tích bể chứa | 207 ml | 200 ml |
Áp suất nước | 45-75 PSI | Mức cực đại: 647 kPa ~ 94 PSI |
Số nhịp phun mỗi phút | 1250 | 1600 |
Thời lượng sử dụng (ở áp suất cao nhất) | 45s | 60s |
Khối lượng | 363g | 270g |
Tính năng đặc biệt | Sạc nam châm | Công nghệ siêu âm |
Nhìn từ tất cả những thông số này, rất đơn giản có thể thấy Panasonic EW1511 hơn hầu như mọi mặt. Số mức áp suất nhiều hơn, áp suất cực đại lớn hơn, số nhịp phun cao hơn, thời lượng sử dụng dài hơn, máy lại nhẹ hơn và có công nghệ siêu âm. WP-560 chỉ hơn số đầu tăm và có thêm công nghệ sạc nâm châm, không ấn tượng và thiếu thuyết phục. Thế là đủ, giờ thì hãy gác lại tất cả những thông số này sang một bên, chúng ta sẽ đi thẳng vào từng chi tiết nhỏ trong phần so sánh trải nghiệm thực tế ngay sau đây.
Waterpik WP-560 nịnh mắt và chiều tay hơn Panasonic EW1511
Không bàn đến đẹp xấu, Waterpik WP-560 được thiết kế có điểm nhấn và sang trọng hơn hẳn Panasonic EW1511 với những dải kim loại ở vùng miệng máy và bảng điều khiển. Ở chiều ngược lại, EW1511 đề cao sự tối giản. Nó đẹp, mình thừa nhận, nhưng khi đặt cạnh WP-560, sự đơn giản của nó lại trở nên đơn điệu và thiếu điểm nhấn. Nó trông có vẻ cũ kỹ hơn hẳn chiếc WP-560 và mình tự tin nói rằng nó thiếu cuốn hút hơn người đồng nghiệp.
Về cảm giác trên tay, EW1511 và WP-560 mang khá nhiều điểm tương đồng về ngôn ngữ thiết kế dẫn đến việc tư thế cầm của hai chiếc máy gần như không có sự khác biệt. EW1511 giành lợi thế đầu tiên khi có trọng lượng nhẹ hơn và phần bề mặt máy có vẻ như là mịn màng hơn. Thế nhưng ưu thế này không phải là quá lớn và theo mình là không phải yếu tố tiên quyết quyết định trải nghiệm cầm máy.
Waterpik WP-560 có phần eo bo cong hơn rõ rệt và điều này giúp cho máy nằm gọn gàng hơn trong lòng bàn tay của người sử dụng. Việc thêm vào 1 bề mặt nhám cho vùng eo này cũng khiến máy tạo cảm giác chắc chắn và tin tay hơn rất nhiều so với EW1511.
Về hệ thống nút bấm, cả hai máy được làm y hệt nhau với một nút tắt/bật và một nút điều chỉnh áp suất nước với vị trí cũng rất tương đồng. Tuy nhiên, WP-560 thuyết phục hơn hẳn cả về cách thiết kế giúp người dùng dễ nhận biết khi sử dụng lẫn cảm giác bấm. Việc bấm nhầm hoặc bấm không chắc tay của mình trên EW1511 là có bất chấp đã dùng máy khá lâu. Tóm lại, EW1511 làm nút bấm đẹp hơn và tinh tế hơn nhưng WP-560 làm nút bấm tốt hơn, cho trải nghiệm xuất sắc hơn.
Điểm cuối cùng khiến mình đánh giá WP-560 tối ưu trải nghiệm người dùng hơn nằm ở cách thiết kế bể nước trong suốt. Cách làm này giúp mình (hay bất cứ ai khác) dễ dàng theo dõi lượng nước còn lại trong máy hơn rất nhiều. Nghe vớ vẩn thôi nhưng tin mình đi các bạn sẽ thích nó khi sử dụng đấy.
Chất lượng hoàn thiện không có sự chênh lệch đáng kể
Không có quá nhiều sự chênh lệch để chỉ ra về độ hoàn thiện giữa hai chiếc máy tăm nước top đầu thị trường này. Thân máy cứng cáp, lớp vỏ mịn màng, các chi tiết sắc sảo, hệ thống đèn báo chất lượng, lẫy van nước chắc chắn không rò rỉ,… Mình có thể dùng tất cả những mỹ từ mô tả này với cả hai chiếc máy. Quá khó để mình xếp chiếc này xịn hơn chiếc kia hay chiếc kia bền hơn chiếc này. Rất rất khó.
Tất nhiên vẫn có những khác biệt nho nhỏ. Panasonic EW1511 mang lại cảm giác liền lạc hơn với ít đường cắt và những đường cắt đều mịn màng hơn. Tuy nhiên nó mất điểm với mình vì cách thiết kế vòi hút bên trong lỏng lẻo, tạo ra âm thanh lọc cọc “kém sang” khi lắc nhe. Trong khi Waterpik WP-560 nặng hơn, đầm tay hơn tạo nên cảm quan chắc chắn hơn.
Cơ chế sạc của WP-560 nên là tiêu chuẩn cho mọi chiếc máy tăm nước cầm tay
Mình đã luôn khen ngợi cơ chế sạc của chiếc Panasonic EW1511 cho tới khi được tận tay trải nghiệm Waterpik WP-560.
Xét về độ tiện, mình vẫn thích cách làm của EW1511. Sử dụng xong, các bạn sẽ chỉ cần đúng một bước duy nhất là đặt máy lên dock sạc. Mọi chuyện hoàn thành và chúng ta không cần nhớ tới nó cho tới lần sử dụng sau. Với WP-560, chúng ta sẽ cần hai bước, đặt máy xuống và đặt miếng sạc nam châm lên thân máy. Một thì nhỏ hơn hai, hiển nhiên rồi.
Sự vượt trội từ cơ chế sạc của WP-560 nằm ở cảm giác an toàn gần như tuyệt đối. Nó hoàn toàn không có phần chân tiếp xúc điện như bao chiếc máy tăm nước sử dụng pin sạc khác. Đồng nghĩa với việc không lo rò điện, không lo nước tiếp xúc làm hỏng máy. Mình dám sử dụng WP-560 ngay cả trong khi tắm, điều mình chưa từng thử với chiếc EW1511 trước đây.
Giảm chút xíu tiện lợi để tăng sự an toàn cho cả túi tiền lẫn sự an nguy của bản thân. Mình hoàn toàn vui lòng.
Thời lượng sử dụng của Panasonic EW1511 thực sự thuyết phục
Mình có một tin tốt và một tin xấu.
Tin xấu là trải nghiệm sử dụng của cá nhân mình chỉ ra rằng: Cả Panasonic lẫn Waterpik đều không thành thật về thời lượng sử dụng sản phẩm của họ. Tin tốt là thực tế những gì bạn nhận được sẽ còn tốt hơn cả những thông số đưa ra từ nhà sản xuất.
Thực tế, Panasonic EW1511 cho khoảng 62s hoạt động ở áp suất nước cao nhất trong khi Waterpik WP-560 cạn nước sau khoảng 50s chạy tối đa sức mạnh. Mình thích điều này vì thông thường các nhà sản xuất chỉ hay nói quá về sản phẩm họ. May mắn thay cả Panasonic và Waterpik đều chọn cách khiêm tốn về đứa con cưng của mình.
Trên quan điểm cá nhân, mình hài lòng về thời lượng sử dụng của cả hai máy bởi một phiên sử dụng của mình thường chỉ kéo dài 35-40s với WP-560 và 45-50s với EW1511. Mình hầu như luôn đặt máy xuống khi vẫn còn một khoảng nước nhỏ trong khoang máy đủ đề trải nghiệm sử dụng là liền mạch, không đứt gãy, không cần thêm nước giữa chừng.
Tuy nhiên, với phần đông người dùng, thời lượng sử dụng dài hơn chắc chắn là tốt hơn. 10s sử dụng cũng hoàn toàn không phải là ít. Hãy nhớ rằng, bể nước của hai máy xem như là bằng nhau và mức áp lực nước trên giấy tờ của EW1511 là lớn hơn. Như vậy, rõ ràng Panasonic đã làm tốt hơn Waterpik trong phần so sánh này.
Trải nghiệm sử dụng thực tế: Panasonic EW1511 cho người dùng nhiều lựa chọn hơn nhưng WP-560 mang phép màu của nhà Waterpik.
Không cần phải nói thêm nhiều về khả năng loại bỏ vụn thức ăn rắt trong kẽ răng của hai chiếc máy tăm nước này nữa. Chúng đều hoàn toàn thuyết phục mình về khả năng làm sạch cũng như cảm giác thỏa mãn sau khi sử dụng. Mình không tin là có nhiều món ăn có thể thách thức hai chiếc máy này đâu. Hay là do bữa ăn của mình thiếu đa dạng quá nhỉ? Mình không nghĩ thế.
Giờ thì hãy dành thời gian để đánh giá những yếu tố khác trên hai con máy hàng đầu này. Với năm mức áp suất nước, Panasonic EW1511 thực sự cung cấp cho người dùng nhiều phương án tiếp cận hơn đối với việc vệ sinh răng miệng. Mình có thể cảm nhận được mức số 5 trên EW1511 mạnh hơn mức 3 trên WP-560 và mức 1 của EW1511 nhẹ hơn mức 1 trên WP-560. Điều này, trên lý thuyết, sẽ hỗ trợ tốt hơn cho những người dùng gặp vấn đề về sức khỏe nha khoa và cũng tốt hơn trong việc nâng cao sức khỏe nướu lợi.
Thế nhưng, như bao người anh em chung nhà khác, WP-560 mang phép màu của nhà Waterpik.
Waterpik, với thế mạnh về kinh nghiệm và công nghệ, luôn mang đến cho những chiếc máy của mình một sức mạnh vô cùng đặc biệt. Có thể thấy được điều này khi WP-560 dù có mức áp suất tối đa thấp hơn, số nhịp phun mỗi phút cũng thấp hơn nhưng lại tiêu hết một bể nước nhanh hơn rõ rệt so với EW1511 bất chấp bể nước của hai máy có thể xem là như nhau. Tại sao vậy? Trải nghiệm thực tế cho mình thấy luồng nước của WP-560 cho khả năng đâm xuyên qua các kẽ răng tốt hơn khá rõ rệt. Tia nước từ máy cũng cho cảm giác đầy đặn, tập trung và ổn định hơn so với đối thủ đến từ Panasonic.
Sự khác biệt này đem lại kết quả là sản phẩm của Waterpik thường cho hiệu quả làm sạch nhanh hơn so với mọi đối thủ khác và EW1511 không phải là ngoại lệ. Sự đầy đặn và ổn định của luồng nước cũng khiến mình cảm thấy khoan khoái hơn khi chúng đi qua các kẽ răng hay tiếp xúc với bề mặt răng. Mô tả thì khó hiểu nhưng các bạn chắc chắn sẽ lập tức cảm nhận được điều này khi lần lượt sử dụng hai chiếc máy nối tiếp nhau. Mình gọi đó là phép màu của nhà Waterpik.
Về mặt lý thuyết, cách làm này của Waterpik cũng sẽ khiến WP-560 hiệu quả hơn trong việc làm sạch mảng bám trên răng và vùng chân răng so với EW1511, điều rất có lợi cho răng miệng trong dài hạn. Ở chiều ngược lại, Panasonic công bố sản phẩm của họ được trang bị công nghệ siêu âm giúp nâng cao hiệu quả loại bỏ mảng bám. Cách làm nào hiệu quả hơn? Mình không biết và cũng không có cách nào trực tiếp xác nhận được. Vậy nên, hãy chỉ xem đây là yếu tố mang tính tham khảo.
Độ ồn và độ rung khi hoạt động
Từ cảm quan cá nhân, mình cho rằng Waterpik WP-560 là chiếc máy tăm nước chạy êm nhất trong tất cả những sản phẩm tăm nước cầm tay mình từng được trải nghiệm. Điều này có lẽ là dễ hiểu bởi máy được làm nặng hơn, cho phép máy chạy đầm và ổn định hơn so với EW1511.
Về độ ồn khi hoạt động, việc so sánh là dễ dàng hơn nhiều. Mình sẽ không bình luận gì thêm nữa vì câu trả lời đã nằm cả trong video bên dưới:
Waterpik WP-560 hào phóng với người dùng hơn so với Panasonic EW1511
Bốn đầu tăm kèm theo, một đầu bịt máy công thêm túi du lịch và hộp đựng đầu tăm dự trữ so với hai đầu tăm theo máy và một khay đặt đầu tăm dự trữ, Waterpik khẳng định luôn họ hào phóng hơn và phụ kiện của họ cũng thích hợp với một sản phẩm đề cao sự di động hơn.
Panasonic trang bị cho người dùng những lựa chọn vừa đủ. Không thể nói là họ tệ vì rất có thể với một bộ phận người dùng, những đầu tăm chức năng hay phụ kiện hỗ trợ mang theo có thể là thừa thãi. Nhưng rõ ràng Waterpik đã làm tốt hơn và cho khách hàng của họ nhiều lựa chọn hơn thôi.

Tổng kết lại, Panasonic EW1511 đã tiệm cận sự hoàn hảo, vậy Waterpik WP-560 thì sao?
Ngay trên Gỡ Rối này, mình đã từng có bài viết Đánh giá chi tiết máy tăm nước Panasonic EW1511: Tiệm cận sự hoàn hảo! và cho tới tận thời điểm này mình vẫn giữ nguyên quan điểm đấy. Panasonic EW1511 là một chiếc máy tăm nước rất xuất sắc, rất ít điểm yếu và mọi thứ nó mang lại đều rất tuyệt vời đối với đa số người dùng. Nó vẫn sẽ là chiếc tăm nước được mình sử dụng trong thời gian sắp tới.
Thế nhưng nếu được chọn lại, mình sẽ chọn Waterpik WP-560. Không phải vì nó tốt hơn, cũng không thể nói nó hoàn hảo hơn bởi nó vẫn có những điểm thua thiệt so với chính EW1511. Đơn giản là nó thích hợp hơn với mình, an toàn hơn và mình thực sự rất thích những trải nghiệm mà chiếc máy này mang lại.
Đó là câu trả lời của mình cho bài so sánh trực tiếp hai chiếc máy tăm nước cầm tay cao cấp Waterpik WP-560 và Panasonic EW1511. Còn với các bạn, hy vọng rằng những chia sẻ của mình có thể giúp các bạn có được một đáp số cho riêng mình.
Chúng ta sẽ còn gặp lại trong những bài viết khác. Tạm biệt!


#Panasonic #waterpik #ew1511 #wp560 #tamnuoc #review #danhgia